Khắc Phụ Tình Trạng Suy Dinh Dưỡng Ở Trẻ

Trẻ thường có biểu hiện biếng ăn nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ là điều khiến các ông bố, bà mẹ rất lo lắng, không chỉ thế, không phải phụ huynh nào cũng tìm hiểu đầy đủ chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.

Khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ

Khi bị suy dinh dưỡng, trẻ có những biểu hiện rất dễ nhận thấy như lười ăn, hay quấy khóc, tăng cân chậm, môi xanh, niêm mạc mắt nhợt nhạt, hay buồn bực, kém linh hoạt, các bắp thịt tay chân mềm nhão, bụng to dần, chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi, đứng..

Ngoài các dấu hiệu đó, còn có một số chỉ số chuẩn mà các chuyên gia đã đưa ra, các bậc cha mẹ có thể dùng để quan sát, so sánh với con mình:

Dựa vào cân nặng: có thể theo dõi chỉ số cân nặng theo từng lứa tuổi như sau: trẻ mới sinh nặng khoảng 3 kg, sau 5 tháng tăng gấp đôi, 12 tháng tăng gấp ba; sau đó mỗi năm tăng thêm 2 kg, lúc 6 tuổi nặng khoảng 20 kg…

Dựa vào chiều cao theo từng độ tuổi: Khi mới sinh trẻ cao khoảng 50 cm, 6 tháng: 65 cm, 12 tháng: 75 cm, 2 tuổi: 85 cm, 3 tuổi: 95 cm, 4 tuổi: 100 cm. Sau đó, mỗi năm chiều cao tăng thêm 5 cm, khi bé 8 tuổi phải cao 120 cm.

Vậy chúng ta phải làm sao để phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ?

Khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ

Chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng

Tăng dầu mỡ: vì dầu mỡ cung cấp năng lượng gấp đôi chất bột và chất đạm. Mỗi chén bột, cháo hoặc cơm của trẻ cần có một muỗng canh dầu hoặc mỡ.

Nấu đặc: vì nếu nấu loãng, nhiều nước thì năng lượng sẽ thấp. Nấu đặc trẻ sẽ khó ăn do đó ta dùng men amylase (có trong bột mộng bắp) hoặc neopeptin nhỏ vào chén bột đặc sẽ làm bột lỏng ra và trẻ sẽ dễ ăn hơn.

Tăng bữa ăn: ngày ăn 5 – 6 bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa. Cho trẻ ăn thêm bữa tối trước khi ngủ. Ăn thêm bữa phụ: ví dụ như sau khi ăn bữa chính nếu trẻ ăn ít hơn nửa chén thì cho trẻ uống bù nửa ly sữa hoặc nửa hũ yaourt, nửa quả chuối hay một cái bánh flan… Như vậy sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn là ép trẻ ăn hết khẩu phần cơm hoặc cháo. Tại sao lại một nửa mà không phải là một? Điều này có ý muốn nói rằng cho trẻ ăn thêm vừa sức của trẻ, không nên ép ăn hết khi trẻ đã chán. Vì làm thế, trẻ sẽ nôn thức ăn ra và sẽ rất “sợ ăn” dẫn tới biếng ăn sau này. Đặc biệt trẻ SDD nên cho ăn thêm một bữa tối trước khi đi ngủ.

Tăng cường chất dinh dưỡng: thức ăn nên đủ chất dinh dưỡng nhưng phải cho trẻ ăn cả xác thực phẩm. Do đó, khi chế biến phải chú ý xắt nhuyễn, nấu mềm và nêm phù hợp với khẩu vị của trẻ. Trẻ thường ăn lạt và không thích có nhiều mùi gia vị. Những thực phẩm thích hợp với trẻ nhỏ là trứng, thịt bằm, cá bằm, rau cũng nên xắt nhuyễn.

Lưu ý: không nên cho trẻ uống nước trái cây trước khi ăn hoặc coi nước trái cây là một bữa phụ vì nước trái cây rất ít năng lượng, ít chất xơ, chỉ có vitamin tan trong nước và có đường nên sẽ làm trẻ “ngang dạ” không muốn ăn bữa chính. Các bà mẹ không nên tự ý mua thuốc cho con.Việc sử dụng loại thuốc nào với liều lượng bao nhiêu phải theo tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.